Home » » Tiếng kêu cứu từ rừng đầu nguồn hồ Khe Chung

Tiếng kêu cứu từ rừng đầu nguồn hồ Khe Chung

Đốt phá rừng là một hành động trái pháp luật, đặc biệt là rừng đầu nguồn, làm ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân cũng như phá hoại môi trường sinh thái.
Rừng đầu nguồn của xã Tào Sơn bị tàn phá.

Vấn nạn này đang diễn ra tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Khe Chung giáp ranh giữa xã Tào Sơn (huyện Anh Sơn) và xã Giang Sơn Tây (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An).
Phá rừng, bắt trâu bò phạt trái luật
Rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Khe Chung có diện tích gần 800ha giáp ranh với rừng của xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương. Hồ Khe Chung là hồ duy nhất cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho toàn bộ hơn 360 ha lúa và hoa màu tại xã Tào Sơn.
Lợi dụng việc giáp ranh giữa hai địa phương, việc phân định ranh giới theo bản đồ địa chính chưa được rõ ràng, một số người dân xã Giang Sơn Tây (huyện Đô Lương) đã lấn chiếm đất, đốt phá rừng tự nhiên đầu nguồn Khe Chung để trồng tràm, sắn dẫn tới tình trạng ngày càng cạn kiệt nước trong lòng hồ Khe Chung. Việc này khiến cho người dân vô cùng bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của người dân xã Tào Sơn cũng như môi trường sinh thái.
Trước việc người dân xã Giang Sơn Tây của huyện Đô Lương chặt phá, đốt rừng nham nhở, lãnh đạo huyện và cán bộ rừng phòng hộ Anh Sơn đã đi khảo sát thực địa.
Gần đây nhất vào ngày 21/5/2013 (thời điểm nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao) khi nhận được tin báo của nhân dân rừng đầu nguồn bị cháy, UBND xã đã kịp thời chỉ đạo tổ bảo vệ rừng và Ban chỉ huy PCCCR có mặt tại hiện trường, khi đến hiện trường thì phát hiện ông Phạm Đình Hường và 4 công dân khác đang đốt rừng (diện tích khoảng 6 - 7 ha) rừng đầu nguồn hồ Khe Chung để trồng keo.
Về vấn đề này, phó Chủ tịch UBND xã Tào Sơn Phan Sỹ Quỳ cho biết: "Khi nhận được tin báo của nhân dân địa phương, chính quyền xã Tào Sơn đã tiến hành kiểm tra thì phát hiện ông Phạm Đình Hường (ở xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) cùng với 4 người làm thuê đang đốt phá rừng".
Cũng theo ông Quỳ, đây không phải là lần đầu tiên một số người dân xã Giang Sơn Tây đốt phá rừng, mà hành vi trái pháp luật này vẫn đã tiếp tục diễn ra từ năm 2010. Đến nay, tổng diện tích bị đốt phá rừng đầu nguồn đã lên tới hơn 20ha.
Ngày 23/5, chính quyền xã Tào Sơn cùng với Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Anh Sơn xuống nơi rừng bị đốt kiểm tra và kết luận 6ha rừng bị cháy thuộc diện tích đất rừng do xã Tào Sơn quản lý (căn cứ theo bản đồ địa giới hành chính giữa các huyện). Chính quyền xã Tào Sơn đã làm biên bản gửi đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc có biện pháp xử lý nhằm ngăn chặn tình trạng này.
Không chỉ đốt phá rừng, một số người dân xã Giang Sơn Tây còn giăng bẫy bắt trâu bò tại khu vực đất rừng mà mình được giao sản xuất và thu tiền nộp phạt một cách vô tội vạ.
Cụ thể là từ năm 2010 đến nay, gia đình ông Phạm Đình Hường (ở xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đã dùng dây cáp lụa làm bẫy giăng các lối mòn xung quanh rừng tự nhiên tiếp giáp với khu vực rừng gia đình ông quản lý và lấn chiếm. Khi trâu bò xã Tào Sơn mắc bẫy, ông Hường thu tiền phạt các hộ có trâu bò từ 700.000 đồng đến 3 triệu đồng mỗi con mà các chủ hộ có trâu bò biết là trâu bò họ đã gây ra thiệt hại gì.
Tính từ năm 2010 đến nay, gia đình ông Hường đã thu tiền phạt của trên 20 hộ gia đình với tổng số tiền trên 40 triệu đồng. Chính quyền xã Tào Sơn đã nhiều lần kiểm tra, thu vật chứng, sau đó có văn bản đề nghị chính quyền xã Giang Sơn Tây, cũng như chính quyền cơ quan các cấp giải quyết thấu đáo việc này. Tuy nhiên sự việc vẫn chưa có biện pháp giải quyết, chịu thiệt vẫn là người dân.
Về vấn đề này, ông Hoàng Đình Sơn - Chủ tịch UBND xã Tào Sơn cho biết: "Khi việc đốt phá rừng xảy ra, chính quyền xã Tào Sơn đã nhiều lần gửi biên bản, tờ trình đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, nhằm ngăn chặn tình trạng trái pháp luật này. Chính quyền hai xã Giang Sơn Tây và Tào Sơn cũng như các Sở, ban, ngành hai huyện Đô Lương và Anh Sơn đã họp về vấn đề này, tuy nhiên các biện pháp đưa ra vẫn chưa đủ sức răn đe, hình thức xử phạt chỉ mang tính cảnh cáo".
Mới đây nhất, ngày 6/6/2013, đoàn giám sát HĐND huyện Anh Sơn đã tiến hành giám sát về công tác PCCCR tại xã Tào Sơn có trực tiếp tại hiện trường thì thấy ông Phạm Đình Hường cùng 7 công dân khác đang trồng keo (Tràm) trên diện tích rừng vừa đốt ngày 21/5/2013.
Quá nhiều văn bản báo cáo nhưng vẫn không thể giải quyết
Việc công dân xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương đã phát, đốt phá rừng đầu nguồn hồ Khe Chung (xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn) xẩy ra từ năm 2007 đến nay. UBND xã Tào Sơn đã có các văn bản gửi các cấp có thẩm quyền và UBND xã Giang Sơn Tây để đề nghị giải quyết (Báo cáo số: 06/BC-UBND ngày 24/4/2007 "về tình hình vi phạm rừng đầu nguồn Hồ Khe Chung xã Tào Sơn" gửi UBND tỉnh Nghệ An; Báo cáo số: 16/BC-UBND ngày 11/4/2011, Báo cáo số 04/BC-UBND ngày 19/02/2012 gửi UBND nhân dân và các phòng, ban, cơ quan, đơn vị liên quan 2 huyện (Anh Sơn, Đô Lương), Công văn số 07/UBND ngày 11/4/2011 gửi UBND xã Giang Sơn Tây, huyện Đô lương "Về việc lấn chiếm, sẻ phát rừng đầu nguồn Hồ Khe Chung và hành vi đánh bẩy bắt trâu, bò xử phạt trái pháp luật").
Không biết đến khi nào rừng phòng hộ Tào Sơn được trả lại nguyên trạng?.
Các cấp, các ngành cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp giải quyết (Công văn số 330/BC-CAT-PA88 ngày 15/6/2011 của Công an tỉnh Nghệ An báo cáo UBND tỉnh về tình hình tranh chấp đất đai giữa xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương và xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn;
Công văn số 3443/UBND-NN ngày 21/6/2011 của UBND tỉnh Nghệ An gửi các sở: Nội vụ, NN&PTNT, TN&MT, UBND huyện Đô Lương, UBND huyện Anh Sơn chỉ đạo 2 xã Giang Sơn Tây, Tào Sơn giữ nguyên hiện trạng, dừng ngay các hoạt động vi phạm pháp luật để không làm phức tạp thêm tình hình, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của ông Phạm Đình Hường, khẩn trương xác định địa giới hành chính, tổ chức đóng mốc ranh giới...
Công văn số 891/SNV-XDCQ ngày 29/6/2011 của Sở Nội vụ gửi Sở TN&MT về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa xã Giang Sơn Tây và xã Tào Sơn; Công văn số 135/UBND-NV ngày 22/4/2011 của UBND huyện Anh Sơn gửi UBND huyện Đô Lương về việc phối hợp giải quyết mâu thuẫn đất đai và an ninh trật tự liên quan đến địa giới hành chính xã 2 huyện tại khu vực rừng đầu nguồn Hồ Khe Chung - xã Tào Sơn.
Công văn số 396/UBND-NV ngày 12/10/2011 của UBND huyện Anh Sơn gửi các Sở: Nội vụ, NN&PTNT, Chủ tịch UBND xã Tào Sơn v/v phối hợp với đơn vị thi công để giải quyết địa giới hành chính...).
Ngày 26/4/2011, UBND 2 huyện (Anh Sơn, Đô Lương), Đảng ủy, UBND 2 xã (Tào Sơn, Giang Sơn Tây) cũng đã có cuộc họp tại xã Giang Sơn Tây dưới sự chủ trì và kết luận hội nghị của lãnh đạo UBND 2 huyện, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương đã có ý kiến chỉ đạo UBND xã Giang Sơn Tây quản lý, chỉ đạo công dân giữ nguyên hiện trạng không được tiếp tục sẻ phát, đốt rừng, chấm dứt việc làm bẩy bắt trâu, bò.
Rừng phòng hộ bị chặt phá, có quá nhiều văn bản, cuộc họp ở cấp dưới nhưng hơn bao giờ hết cần lãnh đạo tỉnh Nghệ An chỉ đạo vụ việc này càng sớm càng tốt?.
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Tất Hòa - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Anh Sơn và được ông Hòa cho biết: "Việc người dân xã Giang Sơn Tây đốt rừng, phá rừng đầu nguồn là có thật và diễn ra khá lâu nhưng xem ra cách giải quyết của các cơ quan liên quan vẫn chưa thấu. Theo tôi bây giờ cần sự vào cuộc của các cơ quan liên quan cấp tỉnh để xác định ranh giới cụ thể. Nhưng bức xúc nhất của người dân Tào Sơn (Anh Sơn) là việc người dân xã Giang Sơn Tây (Đô Lương) bắt trâu bò và phạt tiền một cách vô tội vạ, việc làm này là trái pháp luật".

0 nhận xét:

Đăng nhận xét